Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Những điều thí sinh cần lưu ý
Chỉ còn 3 ngày nữa, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ chính thức bắt đầu. Thời gian này, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các quy định thi và chuẩn bị tâm lý để có thể hoàn thành kỳ thi tốt nhất.
Đến thời điểm này, các thí sinh đã nhận được Giấy báo dự thi. Theo quy định, ngày 30.6, thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi để nghe phổ biến quy chế thi, nhận thẻ dự thi và đính chính các thông tin bị sai sót (nếu có). Đợt thi sẽ kéo dài từ ngày 1.7 đến 4.7. Điều chỉnh thông tin trước ngày thi TS Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn lưu ý, năm nay, thí sinh chỉ được giải quyết điều chỉnh thông tin sai sót trước ngày thi. Vì vậy, vào ngày 30.6, tất cả thí sinh phải đến các điểm thi và có mặt tại phòng thi đúng thời gian ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 làm thủ tục dự thi. Ảnh: DIỆP BẢO SƯƠNG Thí sinh đến đăng ký dự thi sẽ được giám thị phổ biến quy chế thi và nhận Thẻ dự thi. “Thí sinh có sai sót thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên… phải xin được điều chỉnh ngay. Nếu thí sinh bị mất Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác thì phải đến báo ngay cho trưởng điểm thi để được giải quyết kịp thời”, TS Lê Xuân Vinh hướng dẫn. Một lưu ý khác là năm nay thí sinh đến trễ quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được tham dự buổi thi đó. Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in nội dung đề. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi chậm nhất 15 phút sau khi phát đề. Trước khi làm bài, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Năm nay, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành và không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì vào, các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền hoặc nhận tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ… Theo TS Lê Xuân Vinh, điện thoại di động luôn là “nguy cơ tiềm ẩn” làm thí sinh “trượt oan”. “Còn nhớ, trong kỳ thi năm ngoái có trường hợp thí sinh hết giờ làm bài thì chuông điện thoại trong túi reo lên. Dù thí sinh biện minh rằng cuộc gọi đó do người nhà thực hiện để hỏi ở đâu đón về và trong suốt thời gian làm bài mình không hề sử dụng, nhưng chiếu theo quy chế, những lý do như vậy đều không được chấp nhận”, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn nhắc nhở. Chuẩn bị tâm lý thật vững vàng Ngoài việc nắm kỹ quy chế thi, theo nhiều thí sinh đã tham dự kỳ thi năm ngoái, tâm lý phòng thi là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng giúp thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi “hai trong một” cam go này. “Điều quan trọng nhất là phải giữ được bình tĩnh, đặc biệt là sau khi đọc đề nhận thấy có nhiều thứ lạ lẫm, khó khăn”, thủ khoa khối A Trường ĐH Quy Nhơn Nguyễn Văn Tây đúc kết. Chàng sinh viên giỏi cho rằng, đề thi môn Toán thường có những dạng bài tập thoạt nhìn là mới nhưng thực ra đều từ kiến thức trong sách giáo khoa. Với đề Hóa, những bài tập được xây dựng trên cơ sở lý thuyết và luôn có hướng giải chung. Những câu khó nhất đôi khi đề giấu đi một số yếu tố đòi hỏi thí sinh phải suy luận thì hãy sử dụng khả năng và cố gắng phán đoán nhanh nhất, chính xác nhất có thể. Thủ khoa khối A dự đoán đề thi Lý năm nay nếu có tổng cộng 50 câu thì sẽ có khoảng 10 câu tạo cảm giác lạ lẫm với thí sinh. Thế nhưng, thật ra những dạng này lại được xây dựng từ những thứ rất quen thuộc. Điều quan trọng là thí sinh phải xử lý những dạng lạ đó để đưa được về dạng quen. Chia sẻ về kinh nghiệm bản thân, chàng sinh viên giỏi kể, năm ngoái, anh đã dành 5 phút đầu tiên để đọc đề nhiều lần. “Tôi bắt đầu từ những câu dễ nhất, làm và chắc chắn là không có một sai sót nào. Tâm lý hoang mang, sự phân vân và cả cảm giác rối ren sẽ là những điều không thể tránh khỏi. Dù vậy, với những câu khó nhất, đừng nhảy liên tục từ câu này qua câu kia mà hãy tập trung vào một câu nhất định và cố gắng hết sức làm cho xong nó. Với những câu chắc chắn đúng, đừng viết nháp mất thời gian mà hãy làm thẳng vào giấy thi”. Khác với các môn tự nhiên, các môn xã hội luôn đòi hỏi thí sinh phải làm dàn bài, dàn ý với hệ thống luận điểm luận cứ rõ ràng trước khi đặt bút viết vào giấy thi. Thủ khoa khối C của Trường ĐH Quy Nhơn Lê Thúy Vi cho rằng điều quan trọng nhất là thí sinh phải bình tĩnh, đọc kỹ đề, hiểu thật rõ các nội dung đề thi yêu cầu và lập dàn ý thật tốt. “Với tâm lý thoải mái, tự tin, thí sinh mới có thể đảm bảo là các bài làm đủ ý, rõ ý, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc. Với môn Ngữ văn, hãy đưa vào các dẫn chứng thực để bài làm sinh động hơn. Câu biểu đồ của môn Địa chiếm phần lớn số điểm nên thí sinh phải nhận diện chính xác dạng biểu đồ, nhận xét và giải thích các vấn đề biểu đồ đưa ra dưới hình thức trình bày khoa học. Các kiến thức thuộc các phần còn lại thì nên liên hệ với thực tế cuộc sống…”, cô thủ khoa khuyên. NGỌC TÚ Theo: http://baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=7&mabb=61465 |