Lượt xem: 13635 | Đăng lúc: 23:13 18/02/2015
Share

Sơ lược về Lịch sử Trường

Trường THPT Tăng Bạt Hổ được thành lập vào năm 1975 có tên là trường Cấp III Hoài Nhơn. Ngày 23/11/1992 trường lại được đổi tên thành trường THPT Tăng Bạt Hổ.

Qua 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay quy mô số lớp, số học sinh nhà trường ngày càng tăng. Với truyền thống yêu nghề, ham học hỏi, biết khắc phục khó khăn, trong những năm học vừa qua, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường không ngừng phấn đấu, nỗ lực thi đua rèn đức, luyện tài, dạy tốt, học tốt và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian đến. 

Tên trường (theo quyết định thành lập): THPT TĂNG BẠT HỔ

Tiếng Việt: THPT TĂNG BẠT HỔ

Từ 1975 đến 1980: CẤP III HOÀI NHƠN

Từ 1980 đến 1992: PTTH SỐ 1 HOÀI NHƠN

Từ 1992 đến nay: THPT TĂNG BẠT HỔ

Cơ quan chủ quản: SỞ GD&ĐT BÌNH ĐỊNH.

Ngày truyền thống: 01/10


TT Tiểu sử nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ:

TĂNG BẠT HỔ, TẤM GƯƠNG GƯƠNG TIÊU BIỂU CỦA PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VIỆT NAM

CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

I. Thân thế của Tăng Bạt Hổ.

Tên thật là Tăng Doãn Văn, hiệu Điền Bát, sinh năm Mậu Ngọ (1858), tại xóm Cửi, làng An Thường, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn. Nay thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Lúc nhỏ thông minh, hiếu học và giỏi võ nổi tiếng cả vùng.

II. Quá trình hoạt động cứu nước của Tăng Bạt Hổ.

I.1. Thời kỳ thứ nhất: Tăng Doãn Văn trong hàng ngũ quân đội triều đình.

   Năm 17 tuổi (1887) ông gia nhập quân đội triều đình. Ông làm việc ở kho quân lương, quân khí đồn An Dũ (Hoài Nhơn, Bình Định), rồi được phong chức đến chức cai cơ chỉ huy đội binh trấn giữ, ngăn chặn sự tấn công của quân Pháp từ biển vào. 

I.2. Thời kỳ thứ hai: Tăng Doãn Văn hoạt động trong phong trào Cần vương chống Pháp.

Ngày 5 tháng 7 năm 1885 (năm Ất Dậu), được tin Pháp chiếm kinh thành Huế, vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Tân Sở (tỉnh Quảng Trị), xuống chiếu Cần vương chống Pháp. Hưởng ứng phong trào Cần vương, ông cùng một số quân sĩ lấy hết vũ khí và lương thực trong đồn An Dũ đem lên rừng núi Kim Sơn (Hoài Ân) cất giấu, rồi cùng nhau lo chiêu mộ hào kiệt, lập căn cứ, tổ chức nghĩa quân chống Pháp. Nơi đóng tổng hành dinh là núi Đồn Nghé (còn gọi là hòn Tổng Dinh – nay thuộc thôn Phú Văn, xã Ân Hữu). Ông được tôn làm Đề đốc chỉ huy toàn thể nghĩa quân, liên kết với nghĩa quân của Bùi Điền (ở Phù Mỹ) và Mai Xuân Thưởng (ở Tây Sơn)… để chống Pháp và tay sai, gây cho Pháp nhiều khó khăn, tổn thất.

Tháng 9/1886, thừa lệnh của Pháp và triều đình Huế, Nguyễn Thân kéo quân vào đàn áp phong trào Cần vương ở Bình Định. Tháng 3/1887, Nguyễn Thân đánh vào căn cứ Tổng Dinh của nghĩa quân. Trong trận chiến đấu không cân sức, lực lượng tổn thất nặng nề, ông bị thương, được các đồng chí của mình đưa lên Tây Nguyên rồi ra nước ngoài.

I.3. Thời kỳ thứ ba: Hoạt động của Tăng Bạt Hổ ở nước ngoài để học hỏi và tìm đường cứu nước.

Ông đi nhiều nước như Xiêm (Thái Lan), Trung Quốc,…, tìm gặp những người Việt Nam yêu nước như Nguyễn Thiện Thuật, Tôn Thất Thuyết…, các chính khách Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Lưu Vĩnh Phúc.

Sau đó ông sang Nhật Bản, thấy Nhật cũng người châu Á như mình nhưng họ canh tân phát triển đất nước trở thành cường quốc mạnh ở khu vực và thế giới, nên ông quyết tâm học hỏi để mong sau này phụng sự đất nước.

“Gương Nhật Bổn, đất Á đông.

Muốn khôn ta phải soi chung kẻo nhầm”

I.4. Thời kỳ thứ tư: Tăng Bạt Hổ với phong trào Đông Du.

Năm 1904, Tăng Bạt Hổ về nước, tiếp tục hoạt động. Vì có cùng tư tưởng dựa vào Nhật để cứu nước nên ông sớm hòa nhập vào tổ chức Hội Duy tân của Phan Bội Châu và trở thành người hoạt động tích cực của tổ chức này.

Tháng 1/1905, Tăng Bạt Hổ dẫn đường cho Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính sang Nhật, mở đầu cho phong trào Đông Du.

Sau đó, ông về nước cùng với các đồng chí trong tổ chức Hội Duy tân, gây dựng phong trào Đông Du sôi nổi trong nước.

Trong chuyến đi vận động phong trào Đông Du tại Huế, ông bị bệnh nặng rồi mất năm 1906.

III. Tóm lại

Tăng Bạt Hổ là một trong những nhà yêu nước tiêu biểu trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, canh tân đất nước. Ông gia nhập quân triều đình, giữ kho lương và cầm quân bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc; chỉ huy quân chiến đấu chống pháp và tay sai dưới ngọn cờ Cần vương ở Bắc Bình Định; trực tiếp hoạt động tích cực phong trào Đông Du. Đánh giá vai trò, vị trí cống lao của ông rất nhiều, nhưng tựu trung lại ông là một Chí sĩ, nhà Ái quốc, một yếu nhân, nhà khuyến học… và bao trùm suốt cuộc đời là con người hành động vì “Phục thù báo quốc”. Chính ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa phong trào yêu nước Việt Nam vào thời kỳ hoạt động sôi nổi của dân tộc.

XUẤT TÍCH VỀ TĂNG BẠT HỔ

1. Đầu thu năm Đinh Hợi (1887), khi nghĩa quân tan rã, vết thương đã lành, ông được các đồng chí của ông đưa lên Tây Nguyên tìm đường sang Xiêm (Thái Lan). Khi đi đến đèo Dốc Đót (giáp ranh giữa Bình Định và An Khê) thì gặp con hổ ra đường chặn lại. Ai nấy đều sợ, ông bình thản nhìn con hổ rồi nói: “Tôi đi vì đại nghĩa chú không phải vì việc riêng, nếu ông có thương tưởng đến kẻ vong quốc ra đi tìm đường cứu nước nầy thì xin ông tránh đường cho đi, bằng không thì cứ ăn thịt”.

Dường như hổ có linh tính biết xúc động trước nghĩa cử, hay vì đôi mắt sáng quắc uy dũng, tinh thần cương quyết của ông mà hổ gầm lên một tiếng rồi nhảy vào rừng. Từ đó mọi người gọi ông là Tăng Bạt Hổ.

 2. Nguyên giáp ranh giữa hai huyện Hoài Ân và Phù Mỹ là đèo Màn Lăng nổi tiếng có nhiều con hổ. Dưới chân đèo phía Thạch Khê (Hoài Ân) có ngôi chùa cổ, để giúp khách qua đèo khỏi bị nạn hổ , nhà sư trụ trì tổ chức đưa đón khách khi đã đủ 5 – 7 người thì sẽ đưa qua và có khách thì đưa lại đều vô sự. Một hôm, vì có chuyện cần nên phải qua một mình, đến giữa đèo thì ông gặp một con hổ cao to chặn đường vồ bắt, ông đánh nhau với hổ nửa ngày. Cuối cùng hổ chạy trốn vào rừng. Do việc này mà người ta đặt cho ông danh hiệu “Bạt Hổ”. Sau này khi liên kết với nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng  chống Pháp, ông được tặng danh hiệu “Bạt Hổ tướng quân” 

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phát biểu dẫn đề “Hội thảo khoa học về Tăng Bạt Hổ của giáo sư Huỳnh Lứa

2. Những nghĩa cử quên thân của Tăng Bạt Hổ - một nhà ái quốc Việt Nam ( 1858 – 1906). Tác giả phó tiến sĩ Nguyễn Văn Diệu (viện khoa học xã hội).

3. Tăng Bạt Hổ-một gương mặt tiêu biểu trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XX. Tác giả phó tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường - Viện Sử học.

4. “Cuộc đời hoạt động và tấm lòng yêu nước của người anh hùng Tăng Bạt Hổ” Tác giả Lê thị Thanh Hải (Hội khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

5. “Tăng Bạt Hổ với các phong trào yêu nước Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XX”. Tác giả Anh Thi (Hội khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

6. Một số điểm chưa có ý kiến thống nhất về thân thế và sự nghiệp của Tăng Bạt Hổ. Tác giả Nguyễn Thị Hạnh (Bảo tàng cách mạng thành phố Hồ Chí Minh).

7. Vài điểm còn tồn nghi về lý lịch của Tăng Bạt Hổ. Tác giả Lý Thị Mai (Cao học khoa học Lịch sử).

8. Mấy mẫu chuyện về Tăng Bạt Hổ. Tác giả bác sĩ Tăng Xuân Nghi.

9. Tăng Bạt Hổ với phong trào Cần vương ở Bình Định (1885-1887). Tác giả Phan

Văn Cảnh ( trường ĐHSP Quy Nhơn)

10. Những đóng góp của Tăng Bạt Hổ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt

Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XX – Tác giả Hoàng Vượng

11. Tiểu sử Tăng Bạt Hổ - Nhà cách mạng phong trào Cần vương và Đông Du. Tác

giả Quang Bích-Nguyễn Hoài  .

12. Bối cảnh Đông Á đầu thế kỷ XX và con đường cứu nước của Tăng Bạt Hổ - Tác

giả Trần Tinh Tân ( Trung tâm nghiên cứu Sử học).

13. Bản tham luận về Tăng Bạt Hổ - Tác giả Quách Tấn và Quách Giao.

14. Hoài Ân quê hương Tăng Bạt Hổ - Tác giả Trần Bình Định, Võ Chí Hà.