Lượt xem: 5576 | Đăng lúc: 21:37 12/08/2015
Share

CON ĐƯỜNG VỀ TRƯỜNG CẤP III HOÀI NHƠN CỦA TÔI

40 năm đã trôi qua, nhưng con đường về trường và những kỉ niệm về mái trường cấp III Hoài Nhơn, mái trường quê hương với bao lo toan bộn bề thuở sơ khai vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi- bà giáo già đã từng có mặt ở đó từ những ngày đầu thành lập sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

          Ngày 30/4/1975 đã thực sự trở thành ngày hội thống nhất non sông, niềm vui dâng trào nước mắt. Đối với những người như tôi, những đứa con miền Nam trên đất Bắc, niềm vui đó còn được nhân lên gấp bội.

        Ngày 30/8/1975, được lệnh trở về Nam, tôi hối hả đến nơi tập trung để học tập chính trị và quán triệt yêu cầu nhiệm vụ mới khi Cách mạng đã chuyển giai đoạn. Thế là tôi từ giã miền Bắc, từ giã mái trường cấp III Yên Mỹ( Hưng Yên) thân thương và những học trò yêu quí của tôi để lên đường trở về với miền Nam, về với mảnh đất quê hương sau bao nhiêu năm cách trở

         Hơn 20 năm sống trên đất Bắc, tôi hầu như không bao giờ nguôi ngoai nghĩ về quê hương và khát khao sớm được trở về quê hương. Giờ đây, niềm khao khát ấy đã thực sự trở thành hiện thực.

          Ngày 1/10, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Tháng 10 dương lịch (tức tháng 9 âm lịch) là mùa mưa của miền Trung. Quê tôi ở nam miền Trung nên không tránh khỏi qui luật của thời tiết khắc nghiệt đó. Mưa xối xả mịt mù. Chúng tôi đi trên những chiếc ô tô nhỏ cũ kĩ. Người ngồi chật ém, có cả các cháu bé 2-3 tuổi (chúng theo mẹ) cùng đi. Đường quốc lộ chằng chịt ổ gà ổ trâu- đó là những hố bom chồng chất vừa san lấp vội vàng, xe xóc nghiêng xóc ngã liên hồi mà chạy vẫn như rùa bò. Nhiều đoạn đường xe không chạy được, chúng tôi phải bì bõm lội bộ. Đến Quảng Trị. Nước ngập mênh mông. Đường sá chìm trong nước lũ. Qua cầu Ái Tử, nước lũ chảy xiết quá, ôtô bị nước lật và cuốn trôi xuống sông. May mà chúng tôi đã xuống xe trước đó nên không có thiệt hại về người, nhưng tài sản thì mất gần hết. Có người chỉ còn đúng một bộ quần áo mặc trên người. Đơn vị công binh đóng quân gần đó đã dũng cảm vật lộn trong nước xiết trục vớt ôtô cho chúng tôi. Ủy ban hành chính thị xã Đông Hà bấy giờ đã hết sức giúp đỡ, cứu trợ và kịp thời cung cấp quần áo, lương thực cho chúng tôi. Nghỉ lại ở đó một đêm, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình.

           Gần trọn một tuần kể từ lúc xuất phát, tôi mới về đến Ty(sở) giáo dục Nghĩa Bình. Các anh ở ty Giáo dục muốn bố trí tôi công tác ở Quy Nhơn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cha mẹ chồng tôi đã già yếu, bốn em trai đều đã hy sinh, chỉ còn một cô em gái và một cô em dâu góa chồng với ba đứa cháu mồ côi nhỏ dại nên tôi xin được bố trí giảng dạy ở huyện nhà để có điều kiện phần nào bù đắp tình cảm cho những người thân đã chịu quá nhiều mất mát.

          Thế là, ngay lập tức, tôi được phân công về mái trường quê hương cho kịp giảng dạy năm học mới. Trên đường từ Bồng Sơn về Tam Quan, trước mắt tôi là cảnh vật tan hoang trơ trụi, những cánh đồng xơ xác không một bóng người. Rừng dừa thơ mộng với những mái nhà tranh ẩn dưới tán lá dừa xanh mát thuở xưa đã từng hằn sâu trong trí nhớ chúng tôi những năm dài sống trên đất Bắc, giờ đã biến mất. Phơi mình giữa khung cảnh tan hoang xơ xác của xóm làng là con lộ trống hoác loang lổ hố bom, hố pháo. Ai đi xa về mà không đau xót!

          Gửi vội hai đứa con nhỏ cho ông bà nội, tôi đến trường nhận công tác ngay. Người đầu tiên tôi gặp là anh Lê Kim Trị, Hiệu trưởng nhà trường (bạn đồng môn ở Đại học sư phạm Hà Nội khóa 1962-1965), anh về trước tôi một tháng và đã khai giảng năm học mới được một tuần. Tiếng là trường cấp III nghe thật oai nhưng chẳng có gì cả. Từ khuôn viên nhỏ bé đến cơ sở, phòng học đều phải mượn của nhà thờ công giáo với 6 phòng (một phòng vừa là phòng làm việc của Ban Giám hiệu, vừa là phòng sinh hoạt của Hội đồng giáo viên, văn thư kế toán…, năm phòng còn lại làm phòng học). Bàn ghế cũng phải mượn tạm…tất cả cơ sở vật chất đều từ con số không. Phụ huynh học sinh rất thiết tha với việc học của con em nên cũng rất nhiều người sốt sắng quan tâm giúp đỡ…

           Đội ngũ thấy cô giáo chỉ trên 10 người, trong đó có một số giáo viên của nhà trường cũ tự nguyện tham gia giảng dạy. Đó là thầy Bé dạy toán, thầy Tấn và cô Mỹ Hòa dạy lý, thầy Thậm dạy văn, thầy Bân dạy địa, cô Trâm dạy tiếng Anh… Giáo viên  quê Hoài Nhơn từ miền Bắc trở về thì có tôi dạy văn- sử, thầy Nhơn dạy hóa- sinh, sau có thêm cô Cảnh dạy hóa. Các em học sinh học theo các ban ABCD, Thầy cô giáo từ Qui Nhơn ra đều ở tạm nhà dân và tất tần tật tự túc.

            Học sinh của trường đến từ nhiều địa phương như: Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão…Đa số các em Hoài Nhơn là con em các gia đình bám trụ kiên cường, cũng có một số em di tản từ thành phố trở về.

          Buổi lên lớp đầu tiên của tôi thật xúc động. Các em học sinh có lứa tuổi khác nhau, địa phương khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng cùng có chung niềm háo hức hồ hởi, cùng chung khao khát được đến trường học tập trong không khí hòa bình dưới mái trường  đầu tiên của nhà trường Cách mạng. Cô giáo, thầy giáo, dù mới hay cũ đều là những người  thực sự yêu thương các em, mong muốn được đem tâm huyết, sức lực trí tuệ…để dạy dỗ các em. Những đôi mắt long lanh, những nụ cười lấp lánh trên môi các em đem lại cho tôi cái cảm giác mình đã thực sự trở về nhà phục vụ con em mình sau bao năm các em thất học vì bão tố chiến tranh. Lòng tôi thực sự trào dâng một niềm vui hạnh phúc.

          Thương lắm các em từ Hoài Sơn, Hoài Châu, Tam Quan, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Thanh, Hoài Mỹ…vì khát khao được cắp sách đến trường mà không quản mưa nắng đường xa, thức dậy từ ba bốn giờ sáng, vội vã vượt hàng chục cây số trên những chiếc xe đạp cà tàng, thậm chí nhiều em phải đi bộ hàng chục cây số đến trường. Nhiều hôm trời mưa như trút nước mà các em chỉ có một tấm nilong vắt chéo che thân. Rất ít em được ở trọ, vì điều kiện gia đình đa số các em rất khó khăn. Các em chỉ được học ở trường một buổi, còn một buổi phải về nhà giúp cha mẹ khai hoang vở hóa, khôi phục sản xuất để lo ăn, lo mặc. Bao khó khăn chồng chất vẫn không thể cản được bước chân các em đến trường. Ý thức tập thể, ý thức tổ chức kỉ luật của các em rất tốt. Tình bạn, tình thầy trò trong sáng đẹp đẽ biết bao!

              Ngoài những buổi học chính, các em còn được tổ chức lao động xây dựng trường lớp. Thời gian đầu, nhiều khi mỗi tuần có đến hai ba buổi lao động. Điều kiện thầy cô giáo cũng hết sức khó khăn. Có cô giáo có con nhỏ, nhà ở tập thể chưa có. Thế là thầy trò lại vào núi chặt cây lấy gỗ về làm nhà. Bấy giờ chúng tôi chưa hiểu hết tác hại của việc chặt cây phá rừng nên chặt được càng nhiều cây thì thầy trò chúng tôi càng mừng. Buổi sáng đi học, buổi chiều thầy trò thuê cộ đi bộ 6-7 cây số vào núi và vô tư chặt cây phá rừng. Cây thẳng gỗ lớn đem về làm nhà. Gỗ ngọn, đoạn cong chặt vụn bán cho lò gạch làm quĩ lớp. Chiều tối mới xuống núi. Cả thầy và trò đều ướt đẫm mồ hôi, đều đói và khát. Thầy chuyền cho trò bi đông hớp nước; trò tặng thầy củ khoai, củ mì…Nhem nhuốc vì bụi bặm, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười vẫn tươi rói trên môi. Thầy trò chúng tôi cùng chia ngọt sẻ bùi. Tình cảm thầy trò thật sâu đậm và gần gũi. Đúng là kiến tha lâu cũng đầy tổ. Gỗ làm nhà đã đủ. Tranh lá dừa do phụ huynh ủng hộ. Chẳng bao lâu, chúng tôi cũng dựng được căn nhà vách đất, mái lá tranh dừa, Vậy là cô giáo, thầy giáo chúng tôi đã có căn nhà tập thể ở tạm, tuy không đẹp nhưng vẫn khang trang, đủ để che mưa che nắng và ấm áp tình nghĩa thầy trò.

              Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Năm học đầu tiên kết thúc tốt đẹp. Hầu hết các em đều được lên lớp. Cô giáo, thầy giáo đoàn kết thương yêu, đồng cam cộng khổ, không phân biệt cũ mới. Chúng tôi đều có tiếng nói chung: tất cả vì học sinh quê hương mình. Học trò của chúng tôi là những con em vùng kháng chiến. Cha mẹ các em đa số là những người đã bám trụ quê hương, đã hy sinh nhiều máu xương cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Có em từng là dũng sĩ diệt Mỹ, là chiến sĩ giao liên dũng cảm kiên cường...có nhiều em tuổi đã lớn nhưng tất cả các em vẫn luôn khao khát được học tập.

           Giờ đây, tôi đã già, đã là lớp người xưa nay hiếm. Rời mái trường từ rất lâu rồi, nhưng mỗi khi nghĩ về cuộc đời làm nghề dạy học, nhất là quãng đời gắn bó vói mái trường cấp III Hoài Nhơn thân thương, lòng tôi bao giờ cũng rất vui, vì tôi đã được dạy dỗ con em ngay từ những ngày đầu trường thành lập trên quê hương mình. Quê hương có truyền thống Cách mạng, truyền thống yêu nước và hiếu học. Nhiều học sinh thời ấy, giờ đã trở thành cán bộ lãnh đạo uy tín của Đảng, của các ngành các cấp, vẫn thường ghé thăm và luôn nhắc lại những kỉ niệm xưa.

          Tôi đã có những năm tháng gian khổ và hạnh phúc không thể nào quên bên cạnh đồng nghiệp và học trò thân yêu của mình như thế.                                                    

                                                                                                                                                                                                                                                                                       Quy Nhơn tháng 6 năm 2015    

                                                                                                                      Đoàn Thủy Bình

                                                                                       (Nguyên Phó Hiệu trưởng trường PTTH Hoài Nhơn)